Sunday, December 30, 2012

BẢN TRƯỜNG CA THỨ NĂM


















BẢN TRƯỜNG CA THỨ NĂM



Lòng  giấy đêm nay hờn nét bút
Viết hoài không trọn bản trường ca
Ô hay, tôi khóc hay thơ khóc
Mà mực cay?  Không!  Lệ đấy mà...


Thơ tôi  ngôn ngữ không trau chuốt
Rất thực, vì thơ tự đáy lòng
Tưởng tấm tình trung, hồn ái quốc
Thương đời, xót nước buổi suy vong


Bốn nghìn năm cũ bao người đã
Dâng hiến đời trai với tự hào
Âm cảnh chắc hồn  muôn thống khổ
Khi mà đất nước bấy hư hao


Hỡi người chiến sĩ không tên tuổi
Gục chết  âm thầm buổi hỗn mang
Giữa lúc kẻ hàng, người bỏ nước
Vẫn kiên cường đối diện nguy nan


Hỡi người chiến sĩ ngày hưng phế
Treo tấm gương xưa mất với Thành
Sinh tử quyết tâm cùng vận nước
Khiến quân thù khiếp sợ uy danh


Đêm nay xin thức nghe tôi kể
Chuyện của quê nhà sau chiến tranh
Chuyện của lòng tôi, hồn dâu bể
Bản trường ca viết mãi chưa thành


Quê hương ta đấy từ im súng
Dân khổ còn hơn thuở sứ quân
Tổ quốc đi vào trưa hỏa ngục
Đêm liên hoan ác qủy phong thần


Kiếp người trở lại thời hoang sử
Rừng núi đau nhừ mỗi bước chân
Nanh vuốt bạo tàn, loài dã thú
Nhắm tim người xâu xé từng phân


Biển đông cuồn cuộn cơn đồng thiếp
Người chết mang theo nỗi tủi hờn
Hải tặc điên mồị Làn  sóng nghiệt
Tự do này hỏi giá nào hơn ???


Sau hai mươi bốn năm cai trị
Túi đảng đầy no  những núi tiền
Dân vẫn lầm than, quê vẫn bĩ
Ngục tù oan khốc vẫn nhiều thêm


Thế mà có kẻ còn trâng tráo
Tay bắt, lòng vui, xóa hận thù
Quên cảnh vượt biên, thời cải tạo
Quên hờn nước đục! Đáng buồn chưa ?


Lòng đau, tôi khóc đời vong quốc
Thương kẻ còn mơ ngủ giữa ngày
Xót nước dân  nhà cơn nhật thực
Giận cho người trắng đổi đen thay


Buồn người rẻ rúng tình non nước
Để đắt vô cùng một cái KHÔNG
Say bả vinh hoa, mồi huyễn tưởng
Bán linh hồn, đồng loại,  non sông


Một  trăm cái trứng bao giờ nhỉ
Biết đến cùng nhau để bắt đầu
Tìm mảnh nhiễu điều chung sức phủ
Giá gương lưu lại mãi nghìn sau


Bao năm tôi khóc, thơ tôi khóc
Đợi kẻ mài gươm. Chiến sĩ ơi
Đây bản trường ca xin hãy đọc
Hỡi con tim còn thắm tình người ...



Ngô Minh Hằng

No comments:

Post a Comment